Lượt xem: 2727

Cán bộ, công chức phải thực hiện tốt những chuẩn mực đạo đức trong thực thi công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, nhà đạo đức lớn được thế giới thừa nhận. Người đã nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi người, nhất là cho cán bộ, đảng viên, vì cán bộ, đảng viên không có đạo đức cách mạng thì không lãnh đạo được Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963). (Ảnh tư liệu)

    Hồ Chí Minh tuy không có những quyển sách lớn chuyên bàn luận về đạo đức cách mạng, nhưng những tư tưởng của Người về đạo đức được thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói ngắn gọn, xúc tích và qua chính cuộc sống, lao động, học tập của Người. Có thể nói, sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và hành động cách mạng, giữa lý luận và thực tiễn là nét đặc trưng nổi bật của đạo đức Hồ Chí Minh.
Những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đưa ra rất toàn diện và với mọi đối tượng xã hội, nhưng những nội dung đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là đạo đức công vụ, là nội dung chiếm phần chủ yếu trong tư tưởng đạo đức của Người. Theo đó, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức bao gồm  những chuẩn mực cơ bản sau:

    Thứ nhất, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hằng ngày của mỗi người, nhằm xử lý mối quan hệ “tự mình đối với mình”. Hồ Chí Minh coi Cần, Kiệm, Liêm, Chính là bốn đức tính của con người, thiếu một đức thì không thành người. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho Đảng ta và Nhân dân ta, Người vẫn không quên căn dặn: Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân.

    Thứ hai, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Con người là sản phẩm của xã hội và là tổng hoà các mối quan hệ xã. Con người có bao nhiêu mối quan hệ xã hội thì cũng có bấy nhiêu trách nhiệm phải làm tròn (trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, trong cộng đồng, tổ chức, xã hội; trách nhiệm công dân trong quan hệ với đất nước …). Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức còn có 3 trách nhiệm cơ bản: trước Đảng; trước dân và trước công việc. Theo đó, việc được giao dù to hay nhỏ, khó hay dễ cũng đều phải đem cả tinh thần và lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình. Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đối với cán bộ, đảng viên còn là “công bộc”, “đày tớ” của dân nên phải có trách nhiệm hết lòng, hết sức, phải tận tâm, tận lực, tận tình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

    Thứ ba, chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ. Chấp hành nghiêm những quy định của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức khi thực thi công vụ và đúng thẩm quyền, không được lạm quyền hay lánh nặng, tìm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm, “đứng núi này trông núi nọ” là nghĩa vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, phải gương mẫu về đạo đức, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nền nếp công tác, tránh mọi cám dỗ. Khi thực hiện nhiệm vụ phải suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo, tránh gập khuôn, giáo điều, cứng nhắc theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, như thế công việc mới “chạy” được. Mặt khác, phải luôn có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu hoàn thành công việc đúng thời gian quy định, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng.

    Thứ tư, có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc như Bác dạy và tuyệt đối không tranh giành ảnh hưởng của nhau, không ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình; “phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.

***

    Cán bộ, công chức là công bộc của dân, có bổn phận phục vụ Nhân dân, vì thế đạo đức công vụ được thể hiện qua những hành động cụ thể trong thực thi công vụ cũng như qua những sinh hoạt đời thường hàng ngày của mỗi người; lời nói phải đi đôi với việc làm, nêu gương làm việc tốt, khắc phục thói hư, tật xấu ... Song, trong thực tế hiện nay, bên cạnh đa số cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, giữ vững đạo đức cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ được giao thì, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức suy thoái về đạo đức, lối sống gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng là nghiêm trọng, có xu hướng tăng cả về số lượng và phạm vi; bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng; bệnh “đạo đức giả”, thiếu trung thực, nói một đàng làm một nẻo, nói với cấp trên khác nhưng nói với cấp dưới lại khác hay trong hội nghị nói khác, ngoài hội nghị nói khác … còn diễn ra ở nhiều nơi với mức độ khác nhau; tệ thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật còn tồn tại ở các cấp, các ngành…


Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ. (Ảnh tư liệu)

    Nguyên nhân của tồn tại, yếu kém nói trên có nhiều, nhưng chủ yếu là: việc buông lỏng quản lý và giáo dục đạo đức, đặc biệt là đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; cơ chế chính sách đào tạo, tuyển chọn và sử dụng cán bộ, công chức còn nhiều bất cập; công tác kiểm tra, quản lý cán bộ nhiều nơi bị buông lỏng. Bản thân cán bộ, công chức thiếu quyết tâm, thiếu cố gắng học tập, nghiên cứu nhằm trau dồi, nâng cao nhận thức, hiểu biết; thiếu ý chí và chưa gương mẫu tu dưỡng và rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống.

    Để khắc phục tình hình trên, ngoài việc bản thân cán bộ, công chức tự giác và nghiêm túc thực hiện những chuẩn mực đạo đức công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thì các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện một số việc sau:

    Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong mỗi cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh rằng: cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân, là đầy tớ của Nhân dân, lương họ lĩnh hàng tháng, tài sản và kinh phí của cơ quan mà họ đang sử dụng hàng ngày đều là tiền thuế do Nhân dân đóng góp. Vì vậy, họ phải toàn tâm, toàn ý và hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân; phải tận dụng tối đa thời gian cho công việc, sử dụng kinh phí và tài sản cơ quan tiết kiệm và hiệu quả.

    Thứ hai, thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, vừa giữ vững nguyên tắc, vừa có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ; đồng thời, khuyến khích Nhân dân thật thà phê bình cán bộ, đảng viên.

    Thứ ba, thực hiệm nghiêm túc việc đánh giá cán bộ, công chức định kỳ hàng năm và theo cầu. Việc đánh giá cán bộ, công chức không chỉ dựa trên tiêu chuẩn của ngạch công chức, vị trí việc làm, mà quan trọng hơn là hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Có như vậy mới bảo đảm tính khách quan, công bằng trong đánh giá cán bộ, tạo động lực để cán bộ, công chức thi đua làm việc, công hiến tốt hơn.

    Thứ tư, phải thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng - kỷ luật đúng người, đúng việc, đúng lúc, dựa trên kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý cán bộ, công chức cả về phẩm chất đạo đức và việc thực thi công vụ cũng như các sinh hoạt đời thường của họ. Nếu cán bộ, công chức là đảng viên phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng là thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú./.
Kiên Trung


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 147
  • Hôm nay: 5089
  • Trong tuần: 72,409
  • Tất cả: 11,856,598